Anh (chị) hãy phát biểu điều tâm đắc nhất của mình về đoạn thơ sau trong
đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của
Nguyễn Khoa Điềm:
Trong
anh và em hôm nay
Đều có
một phần Đất Nước
Khi hai
đứa cầm tay
Đất Nước
trong chúng ta hài hoà nồng thắm
Khi
chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước
vẹn tròn, to lớn
Mai này
con ta lớn lên
Con sẽ
mang Đất Nước đi xa
Đến
những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu
xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng
hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…
(Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo
dục Việt Nam, 2014, tr. 119 — 120)
HƯỚNG DẪN
Đất Nước là chương V của trường ca Mặt đường khát vọng được
sáng tác vào cuối năm 1971 (đoạn trích trong SGK chỉ là một phần của chương
này). Có thể nói đây là chương hay nhất, thể hiện sâu sắc một trong những tư
tưởng cơ bản nhất của bản trường ca - tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.
Trong đoạn thơ, đất nước được nhìn ở tầm gần và hiện hình qua lời tâm sự
của anh và em. Bởi thế, “khuôn mặt” đất nước trở nên vô cùng bình
dị, thân thiết. Tình cảm dành cho đất nước vô cùng chân thật, được nói ra từ
chiêm nghiệm, trải nghiệm của một con người cá nhân nên có khả năng làm lay động thấm thía tâm hồn người đọc.
Sáu câu đầu của đoạn thơ như muốn trả lời cho câu hỏi: Đất nước là gì? Đất
nước ở đâu? Lời đáp thật giản dị nhưng cũng hàm chứa những bất ngờ: Đất nước
không tồn tại ở đâu xa mà có trong mỗi một con người; mỗi người đều mang một phần đất nước; tổng thể
đất nước sẽ được hình
dung trọn vẹn khi anh và em biết “cầm tay” nhau, “cầm tay mọi người”…
Hàm ngôn
của các câu thơ
thật phong phú: sự tồn tại của đất nước cũng là sự tồn tại của ta và
chính sự hiện hữu của tất cả chúng ta làm nên sự hiện hữu của đất nước.
Hành động “cầm tay” là một hành động mang tính biểu tượng. Nhờ hành động đó,
đất nước mới có được sự “hài hoà nồng thắm”, mới trở nên “vẹn tròn to lớn”.
Ba câu
tiếp theo của đoạn thơ vừa đẩy tới những nhận thức - tình cảm đã được triển
khai ở phần trên, vừa đưa ra những ý tưởng có phần “lạ lẫm”: Mai này con ta
lớn lên / Con sẽ mang Đất Nước đi xa / Đến những tháng ngày mơ mộng. Thực chất, đây là một cách
biểu đạt đầy hình ảnh về vấn đề: chính thế hệ tương lai sẽ đưa đất nước lên một
tầm cao mới, có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Như vậy, quá trình
hình thành và phát triển của đất nước luôn gắn với nỗ lực vun đắp đầy trách
nhiệm cho cộng đồng của rất nhiều thế hệ nối tiếp nhau, mà thế hệ của chúng
ta chỉ là một mắt xích trong đó.
Trong
bốn câu thơ
cuối, cảm xúc được đẩy tới cao trào. Nhân vật trữ tình thốt lên với niềm xúc
động không nén nổi: Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình / Phải biết gắn
bó và san sẻ / Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở / Làm nên Đất Nước muôn
đời… Đoạn thơ có những câu mang sắc thái mệnh lệnh với sự lặp lại cụm từ
“phải biết”, nhưng đây là mệnh lệnh của trái tim, của tình cảm gắn bó thiết tha
với đất nước.
Cách bày
tỏ tình yêu nước
của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ này thật độc đáo, nhưng quan trọng hơn là
vô cùng chân thật. Điều đó đã khiến cho cả đoạn thơ, cũng như toàn bộ chương
thơ đã được bao nhiêu người đồng cảm, chia sẻ, xem là tiếng lòng sâu thẳm nhất
của chính mình. Đọc đoạn thơ, ta vừa được bồi đắp thêm những nhận thức về lịch
sử, vừa được thuyết phục về tình cảm để từ đó biết suy nghĩ nghiêm túc về trách
nhiệm của mình đối với đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét